Tâm lý học trong thiết kế logo – Tìm hiểu cùng chuyên gia thiết kế Brandall Agency

Không chỉ cần đảm bảo tính thẩm mỹ, một logo cần thực hiện được vai trò chính, đó là giao tiếp giữa doanh nghiệp và khách hàng. Để quá trình giao tiếp đúng, đủ và hiệu quả, các chuyên gia thiết kế cần tận dụng những đặc điểm tâm lý cơ bản để khiến thiết kế logo nổi bật, thu hút, tạo ấn tượng với khách hàng.

Vì sao cần áp dụng tâm lý học trong thiết kế logo?

Trong thế giới kinh doanh đầy cạnh tranh và khối lượng lớn các nội dung thương hiệu, không dễ để doanh nghiệp có được sự quan tâm của khách hàng tiềm năng. Từ điểm chạm đầu tiên, việc tạo nên cảm xúc tích cực, tin tưởng, yêu thích của khách hàng với hình ảnh thương hiệu, trong đó có logo, sẽ giúp doanh nghiệp có được lợi thế cạnh tranh để tiếp tục thuyết phục khách hàng ở những bước tiếp theo.

Logo được coi như đại diện thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Giống như bất kỳ thiết kế đồ họa nào của doanh nghiệp, mục đích chính của logo là để truyền tải thông điệp của doanh nghiệp tới người dùng, khách hàng mục tiêu. Ứng dụng tâm lý học trong logo giúp khách hàng và người xem hiểu đúng, có ấn tượng đúng về thông điệp muốn truyền tải. 

Những khía cạnh tâm lý học nào có thể áp dụng trong thiết kế logo?

Cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố tâm lý trong một thiết kế thương hiệu

Chia sẻ về ứng dụng tâm lý học trong quá trình thiết kế logo, anh Tùng Trần – CEO, Giám đốc sáng tạo của Brandall Agency cho biết: “Để ứng dụng tâm lý học tinh tế và chính xác người thiết kế cần hiểu và ứng dụng tốt Nguyên lý thị giác. Là cách mắt người đánh giá phán xét, so sánh các hình ảnh, màu sắc, tỉ lệ, vật thể, biểu tượng. Ví dụ, màu đỏ tượng trưng cho máu, lửa, gợi nhắc về nhiệt huyết, sức mạnh mê hoặc, năng lượng, trong khi đó, hình tròn đại diện cho sự hoàn hảo, mềm mại, tuyệt đối”

Vốn là một lĩnh vực rộng lớn, tâm lý học bao gồm nhiều khía cạnh cần nghiên cứu kỹ càng. Tuy nhiên, trong thiết kế logo, designer cần ưu tiên những cảm xúc cơ bản nhất của khách hàng để tạo ra những thiết kế khơi gợi đúng những cảm xúc đó.

Tâm lý học màu sắc

Màu sắc của thiết kế cần thể hiện thông điệp, định vị của thương hiệu

Sự kết hợp màu sắc có thể tạo ra cảm xúc và ấn tượng mạnh mẽ cho người xem. Màu sắc chủ đạo của logo cần được chọn một cách cẩn thận để phản ánh đúng bản chất và giá trị của thương hiệu.

Trong nhiều trường hợp, màu đỏ liên quan đến niềm đam mê, lòng can đảm và quyền lực. Tuy nhiên, trong một số ngữ cảnh và văn hóa, màu đỏ có thể mang ý nghĩa tiêu cực liên quan đến nguy hiểm hoặc tức giận. Ngược lại, màu đỏ cũng được biết đến là kích thích sự thèm ăn và thường thấy trong các logo của các nhãn hàng thức ăn nhanh.

Tương tự, mỗi màu sắc mang tính biểu tượng cho những yếu tố cảm xúc khác biệt:

Đỏ: Niềm đam mê, tình yêu, quyền lực và tự tin

Cam: Niềm tin, năng lượng, vui tươi và lạc quan

Vàng: Hạnh phúc, hy vọng, vui vẻ và vui nhộn

Xanh: Hòa bình, tự nhiên, hòa hợp và tái tạo

Xanh dương: Sự thanh bình, bình tĩnh, thông minh và tin cậy

Tím: Vương giả, trí tuệ, lòng nhân ái và sáng tạo

Hồng: Lạc quan, sáng tạo, đầy đủ và trẻ trung/nữ tính

Đen: Quyền lực, hiện đại, sự tinh tế và mạnh mẽ

Xám: Trung lập, bình tĩnh, khôn ngoan và chuyên nghiệp

Nâu: Tự nhiên, ổn định, thân thiện và thoải mái

Trắng: Tinh tế, thanh lịch và ấn tượng

Tâm lý học về hình khối

Sự kết hợp của hình khối tạo nên sắc thái rõ rệt cho logo

Mỗi hình khối mang lại cảm giác khác nhau cho người xem. Sử dụng hình khối để tạo ra tỉ lệ cân đối và hài hòa trong thiết kế logo giúp tạo ra ấn tượng mạnh mẽ và nhận diện dễ dàng. 

Từ nền tảng những hình khối cơ bản, người thiết kế logo có thể sáng tạo bố cục hài hòa và thu hút, đem lại cảm xúc cho khách hàng.

Hình tròn: biểu thị sự đoàn kết, toàn vẹn và liên tục

Hình vuông: biểu thị sự ổn định, trật tự và cấu trúc

Tam giác: biểu thị sức mạnh, định hướng và năng lượng

Hình chữ nhật: biểu thị tính ổn định, hiệu quả và thiết thực

Đường cong: ngụ ý về sự linh hoạt, uyển chuyển và sáng tạo

Xoắn ốc: biểu thị sự phát triển, tiến hóa và mở rộng

Tâm lý học về font chữ

Font chữ phù hợp truyền tải chính xác tính cách thương hiệu

Lựa chọn font chữ phù hợp không chỉ là về việc đảm bảo độ dễ đọc mà còn là về việc thể hiện tính cách và giá trị của thương hiệu. Bất kể bạn sử dụng loại logo nào, việc chọn phông chữ đại diện cho các giá trị thương hiệu của bạn và truyền đạt thông điệp của bạn ngay lập tức là rất quan trọng.

Thương hiệu của bạn có phong cách vui vẻ và hóm hỉnh, hay nghiêm túc và tinh tế? Sử dụng font chữ một cách có chiến lược có thể giúp truyền đạt các đặc điểm này. Từ các kiểu chữ đậm, hình học, đến các đường cong mềm mại, tròn trịa – các chữ bạn chọn kể riêng một câu chuyện của riêng chúng. Ngoài ra, khoảng cách (còn được gọi là kerning) giữa các ký tự cung cấp sự rõ ràng và bối cảnh.

Ví dụ, phông chữ serif thường mang tính truyền thống hơn và thường được sử dụng nhất trong in ấn như sách, báo và tạp chí nhờ vào tính dễ đọc. Ngược lại, phông chữ script được xem là tinh tế và sáng tạo hơn vì chúng mô phỏng viết tay.

Để khách hàng tiếp nhận thông điệp thương hiệu một cách dễ dàng, quá trình lựa chọn và thiết kế font chữ cho logo cũng cần đảm bảo một số tiêu chí quan trọng.

  • Tính dễ đọc
  • Chức năng
  • Giọng của thương hiệu
  • Thông điệp thương hiệu
  • Tổng thể thẩm mỹ

Nguyên lý thị giác

Nguyên lý Gestalt trong thiết kế

Nắm rõ khoa học về thị giác, thứ tự điểm nhìn và các vị trí thu hút thị giác trong một hình ảnh giúp người thiết kế định hình bố cục logo một cách hiệu quả hơn. “Nguyên lý thị giác trong thiết kế bao hàm rất nhiều yếu tố. Nó giúp xác định cách mắt người nhận định, đánh giá, so sánh các hình ảnh, màu sắc, tỉ lệ, vật thể, biểu tượng. Bên cạnh các nguyên lý về phân cấp, tương phản, cân bằng,… người thiết kế logo cũng cần quan tâm đến các yếu tố giúp khách hàng cảm thấy thân thuộc, tạo thiện cảm với họ”, anh Tùng Trần – Giám đốc sáng tạo Brandall Agency chia sẻ.

Anh Tùng Trần, CEO – Giám đốc sáng tạo Brandall Agency

Từ góc nhìn của chuyên gia thiết kế thương hiệu, anh Tùng Trần khuyến khích việc tìm hiểu về tâm lý học qua nhiều nguồn thông tin đa dạng, từ các tài liệu về tâm lý học đại cương, văn hóa đại chúng cận đại đến việc quan sát kĩ càng cách những người xung quanh tiếp nhận thông tin từ một thiết kế. Trong mỗi dự án thiết kế, việc thực hiện nghiên cứu trên một nhóm hoặc nhiều nhóm khách hàng mục tiêu sẽ giúp điều chỉnh sản phẩm thiết kế để tạo cảm xúc với khách hàng đúng với mong muốn.

Thấu hiểu khách hàng và các khía cạnh khoa học có tầm quan trọng như thế nào đối với thiết kế nhận diện thương hiệu? Nếu bạn quan tâm đến quá trình xây dựng hình ảnh thương hiệu, đừng quên theo dõi các bài viết từ Brandall Agency để cập nhật những thông tin hữu ích từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm.