Nếu bạn đang nghĩ rằng thương hiệu cá nhân chỉ cần thiết cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hoặc các chính trị gia thì bài viết này sẽ khiến bạn phải suy nghĩ lại!
Tầm quan trọng của thương hiệu cá nhân
Không chỉ là thể hiện bản thân trước công chúng, mà cốt lõi của việc xây dựng thương hiệu cá nhân là xác định bạn là ai. Điều kiện tiên quyết để xây dựng thương hiệu cá nhân thành công là hiểu được các đặc trưng, kỹ năng, giá trị và niềm đam mê độc đáo của bạn. Sau đó, hãy tìm cách nhấn mạnh sự độc đáo của bản thân để giúp bạn nổi bật trong đám đông. Tóm lại, bạn đừng nghĩ rằng xây dựng thương hiệu cá nhân là để cho người khác thấy. Xây dựng thương hiệu cá nhân là dành cho chính bạn – nó giúp bạn hiểu bản thân hơn và cho khán giả biết về lập trường, triết lý sống hoặc mục tiêu của bạn.
Dù bạn sử dụng thương hiệu cá nhân để tìm việc, để đưa thông tin của bạn đến các nhà tuyển dụng tiềm năng, quảng bá công ty hay để tạo nên một lượng người hâm mộ, người theo dõi, thì thương hiệu cá nhân là nghệ thuật để thể hiện chính con người thật của bạn theo cách phù hợp với định hướng nghề nghiệp của bạn.
Sau đây, Brandall sẽ chia sẻ 5 bước để thực hiện quá trình xây dựng hình ảnh thương hiệu cá nhân để bạn dễ dàng hình dung và nắm bắt.
1. Tự đánh giá
Bước đầu tiên để xây dựng thương hiệu cá nhân là xác định bạn là ai. Bạn có thể lấy ra một tờ giấy và bắt đầu liệt kê các đặc điểm sau:
– Tính cách: Bạn là người như thế nào và bạn thường phản ứng như thế nào? Để khách quan hơn, bạn có thể suy nghĩ về những tính cách mà người khác đã từng khen ngợi và chỉ trích bạn. Trong khi làm điều này, hãy nhớ rằng mỗi tính cách có thể vừa là ưu điểm vừa là nhược điểm, tùy thuộc vào tình huống.
– Giá trị: Xác định điều gì thúc đẩy bạn trong sự nghiệp? Niềm tin của bạn và những ưu tiên của bạn trong cuộc sống (v.d. gia đình, sự nghiệp, đời sống xã hội, v.v.) là gì? Bạn đã làm gì để duy trì những giá trị này trong vài năm qua?
– Kỹ năng và trình độ: Bằng cấp chính quy, kỹ năng mềm và nền tảng giáo dục.
– Kinh nghiệm và thành tích: Các hoạt động ở trường trước đây của bạn (nếu bạn là người mới đi làm) và các dự án mà bạn đã thực hiện. Bạn thích loại dự án nào hơn và loại dự án nào khiến bạn cạn kiệt năng lượng? Bạn có nhận được bất kỳ sự công nhận hay giải thưởng nào cho nỗ lực của mình không?
2. Nghiên cứu về ngành
Sau khi tìm hiểu về bản thân, bước tiếp theo là tìm hiểu về ngành của bạn những yêu cầu liên quan. Hãy liệt kê những phân nhánh nghề nghiệp và chọn ra những lĩnh vực mà bạn quan tâm. Nếu bạn đã có danh sách những công ty mà bạn muốn làm việc, hãy nhớ tìm hiểu họ ở giai đoạn này. Mỗi nghề nghiệp yêu cầu một tập hợp các kỹ năng và bằng cấp cụ thể, vì vậy tốt nhất bạn nên biết rằng cần phải chuyển bị điều gì.
3. Đánh giá
Bạn đã thu thập đủ thông tin về bản thân và ngành nghề chưa? Bây giờ là lúc liên kết tất cả thông tin đó lại với nhau. Bạn đã có những yếu tố nào để đáp ứng các yêu cầu đang được đặt ra? Đâu là những điểm bạn cần cải thiện để nâng cao hình ảnh của mình? Ở bước này, bạn cần xác định xem những điểm nổi bật của bản thân mà bạn muốn người khác biết đến là gì.
4. Tham gia
Khi bạn xác định được hình ảnh cho bản thân mình, đã đến lúc xác định các nền tảng và lập chiến lược để thiết lập danh tiếng của bạn.
– Mạng xã hội: Ngày nay, mạng xã hội là một trong những công cụ phổ biến nhất để nâng cao độ nhận diện. Nhưng mỗi kênh đều có công dụng riêng, vì vậy bạn nên điều chỉnh nội dung và hình ảnh cho phù hợp với từng kênh. Ví dụ: mọi người thường sử dụng LinkedIn và Twitter với mục đích công việc, trong khi Facebook, Instagram và TikTok thường để giải trí hoặc liên lạc thông thường.
– Sự kiện networking: Hãy tham gia các hiệp hội nghề nghiệp và sự kiện networking để mở rộng mạng lưới quan hệ nghề nghiệp của bạn. Càng có nhiều mối quan hệ, bạn càng tăng thêm giá trị cho bản thân và tạo ra cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Một số mối quan hệ có thể trở nên hữu ích sau này trong công việc, vì vậy đừng ngần ngại tham gia các sự kiện trong ngành.
– Phát biểu ngắn gọn: Chuẩn bị một đoạn giới thiệu dài 30-60 giây về con người của bạn để làm nổi bật bản thân trong các sự kiện networking hoặc cuộc gặp gỡ bên ngoài. Sự chuẩn bị này giúp nâng cao tự tin của bạn, giúp cuộc trò chuyện diễn ra suôn sẻ hơn và cho phép người khác nắm bắt những ý chính, chẳng hạn như vị trí hiện tại của bạn, thế mạnh cụ thể, chuyên môn, v.v. Điều quan trọng là phải ngắn gọn và đúng trọng tâm. Đừng nên huyên thuyên dài dòng chỉ để nói về bản thân trong suốt buổi gặp gỡ.
– Trang web cá nhân: Sở hữu một trang web và blog là một cách tuyệt vời để cho thấy kiến thức và chuyên môn của bạn. Bạn có thể truyền tải các giá trị và quan điểm của mình thông qua các định dạng nội dung khác nhau – văn bản, đồ họa, video, podcast,…
5. Luôn nhất quán
Sự nhất quán rất quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Những giá trị và quan điểm của bạn phải đồng nhất cả ở trên nền tảng số hoặc khi giao tiếp ở bên ngoài. Đừng cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người bằng cách đồng tình với mọi quan điểm. Thay vào đó, hãy thiết lập ý kiến và quan điểm cá nhân. Việc tập trung này sẽ giúp bạn tạo nội dung dễ dàng hơn và giúp cho người hâm mộ biết rằng khi nào thì họ nên tìm đến bạn.
Tóm lại, sở hữu một thương hiệu cá nhân không chỉ giúp bạn tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp và xây dựng được hình ảnh chuyên môn của bạn trong mắt người khác, mà còn giúp bạn đánh giá và hiểu được vị trí của bản thân. Xây dựng thương hiệu cá nhân không phải là chuyện một sớm một chiều bạn có thể hoàn thành được mà đó là cả một dự án dài hơi cần nhiều thời gian và công sức để nhận lại kết quả. Vậy nên đừng ngần ngại sáng tạo lại hoặc làm mới hình ảnh mỗi khi bạn đạt được những bước tiến mới hơn nữa trong sự nghiệp của mình.